Kevin lên mạng để tìm cô dâu, hoàn toàn không phải tìm… vợ. Sau đám
cưới, họ đường ai nấy sống: chú rể với bạn trai và cô dâu với bạn gái.
Những trường hợp như thế này chắc chắn không phải là
quá hiếm hoi ở những xã hội như Thượng Hải (Trung Quốc), nơi giới trẻ
lắm lúc phải toát mồ hôi để cố gắng dung hòa giữa các giá trị Đông
phương truyền thống với tư tưởng tự do đang như cơn lốc tràn vào từ
phương Tây.
Một thanh niên Trung Quốc lấy tên Kevin là một trường
hợp như thế. Đám cưới của Kevin diễn ra bình thường như bao đám cưới
khác: cũng cô dâu xúng xính trong váy cưới, cũng nhà hàng sang trọng,
cũng cả trăm khách, cũng bánh cưới, cũng champagne… Và quan trọng hơn cả
với Kevin, ở đám cưới này cũng có ánh mắt hãnh diện, hài lòng của cha
mẹ anh. Họ cảm thấy mình đã chu toàn bổn phận của người làm cha, làm mẹ.
Chính họ, chứ không phải cô dâu, đã khiến Kevin tổ chức đám cưới này -
một đám cưới giả.
Hãng truyền thông BBC dẫn lời Kevin: Tôi yêu mến ba
mẹ tôi. Tôi hiểu họ đã bị nhiều sức ép từ phía họ hàng và hàng xóm, khi
liên tục phải nghe họ thắc mắc: Con trai ông bà sao rồi, đã lấy vợ
chưa?.
Bên cạnh Kevin, cô dâu đang tươi cười đón khách biết rõ màn kịch mà mình đang diễn. Cô là người đồng tính.
Lên mạng tìm cô dâu
Không nỡ thấy cảnh cha mẹ buồn khổ, khó ăn khó nói
vói họ hàng, Kevin quyết định đi tìm cho mình một cô dâu. Và cách tìm
chóng vánh nhất không gì khác hơn là lên mạng internet. Kevin đã để lại
tin nhắn của mình trên một diễn đàn mà những người đồng tính, cả nam lẫn
nữ, hay vào trao đổi.
Nemo, một người bạn của Kevin cũng đang cân nhắc bước
đi của mình giữa sự thúc ép cưới vợ của cha mẹ. Nemo quen một người bạn
cưới vợ bình thường nhưng ly dị chóng vánh vì “có thể lừa dối cha mẹ
nhưng không thể lừa dối bản thân”. Còn cưới vợ đồng tính theo kiểu của
Kevin thì Nemo sợ bị lừa như nhiều trường hợp đã xảy ra.
|
Rất nhanh chóng, Kevin nhận được sự hồi đáp của vài
cô gái. Sau vài lần chat, Kevin quyết định đi gặp một trong số đó. Họ
mất vỏn vẹn 3 tháng để tìm hiểu nhau, nói chính xác hơn là để thỏa thuận
với nhau, trước khi quyết định tiến tới hôn nhân! Và một đám cưới long
trọng được cử hành trong sự ủng hộ của cả gia đình 2 bên. Có điều chú rể
căng thẳng đến độ quên cả nhẫn cưới.
“Tôi cảm thấy tất cả như một màn kịch. Tôi mang mặc cảm tội lỗi với cả cha mẹ tôi và cha mẹ cô ấy”, Kevin nói.
Nhưng Kevin vẫn kiên định với bước đi của mình: “Tới
giờ phút này, tôi vẫn thấy làm đám cưới là một quyết định đúng, bởi vì
cả cha mẹ cô ấy và cha mẹ tôi đều cảm thấy hài lòng. Chúng tôi phải làm
đám cưới. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác”.
Những màn kịch tiếp theo
Mọi chuyện đang đi đúng theo kế hoạch của cả 2 cho
tới giờ phút này: không có đêm tân hôn nào cho tân lang và tân giai nhân
mà sau khi cha mẹ, họ hàng đã về quê, cả 2 lại tiếp tục cuộc sống trước
kia của mình: chú rể với bạn trai và cô dâu với bạn gái.
Mỗi năm một lần, vào dịp tết, 2 người lại đoàn tụ để tiếp tục đóng kịch: đến thăm cha mẹ 2 bên.
Họ cần rất nhiều sự cảm thông của xã hội - Ảnh: AFP |
Nhưng cả 2 vẫn cứ phải sống trong tâm trạng lo âu thấp thỏm, không biết đến bao giờ thì sẽ bị “bể dĩa”.
“Vấn đề trước mắt sẽ là chuyện con cái. Cha mẹ mong
muốn chúng tôi sẽ sinh con trong vòng từ 1 đến 2 năm nhưng chắc chắn là
chúng tôi không thể, vì chúng tôi đâu có quan hệ chăn gối”, Kevin thổ
lộ.
Nhưng sau khi đã dựng lên màn kịch dối trá trước mắt
cha mẹ, Kevin biết sự thật sẽ làm họ suy sụp hoàn toàn: “Cha mẹ không
bao giờ có thể chấp nhận tôi là người đồng tính, với họ, như vậy là bất
bình thường”.
Thế là cùng với người vợ trên danh nghĩa, Kevin
đang phải cất công để dựng lên những màn kịch tiếp theo mà không biết
mình có thể làm “diễn viên” đến bao giờ.