“Tao chả hiểu được cái tiếng địa phương của nó, sau này có con nó mang cái tiếng ấy ra dạy cháu tao thì sao?...”
Vẫn biết mẹ chồng không ưa mình từ
ngày hai đứa yêu nhau, nhưng Lan và Phong vẫn quyết tâm lấy nhau bởi hi
vọng mẹ anh sẽ thay đổi định kiến. Bà Thoa mẹ anh rất không ưa những
người ngoại tỉnh, nhất là lại người miền Trung như Lan. Bà kêu nhà cửa
xa xôi, đi lại vất vả mà nếp sinh hoạt, phong tục khác nhau. Một lần đi
qua phòng bà Thoa, Lan đã nghe thấy bà cằn nhằn với Phong: “Tao chả hiểu được cái tiếng địa phương của nó, sau này có con nó mang cái tiếng ấy ra dạy cháu tao thì sao?”.
Lan chạy thẳng về phòng, không kìm được nước mắt vì tủi thân. Tiếng
miền Trung biết là vẫn nặng và không nghe quen thì hơi khó nhưng Lan vẫn
luôn tự hào về tiếng nói của mình, đó là quê hương và một phần máu thịt
của cô.Mỗi lần về quê chơi, mẹ cô gửi bao nhiêu đặc sản ra biếu thông gia như tương bần, lươn sấy khô, kẹo cu đơ. Hí hửng mang về khoe mẹ chồng thì bà Thoa đánh toẹt một câu: “Chị bọc kỹ vào, tôi không chịu được mấy mùi này, mà chị đừng cho vào tủ lạnh kẻo ám mùi sang thức ăn cả nhà”. Không dám cự cãi mặc dù thấy bất công cho tấm lòng của bố mẹ mình gửi quà ra biếu nhà thông gia. Cô thấy buồn nản mà không dám buông một lời trách cứ. Nghĩ về cuộc sống phía trước ở nhà chồng mà Lan không kìm được tiếng thở dài.
Hoa cũng thở ngắn than dài về việc mẹ chồng cô chê con dâu ngoại tỉnh. Mỗi lần hai vợ chồng cô xin phép về Thanh Hóa có việc là bà Hồng lại ra chiều xót xa con trai: “Công việc cần thiết thì hãy về, mà chị về một mình được thì nên tranh thủ, chứ thằng Thanh nó có đi được ô tô đâu, đi về lại nằm ra đấy, mà sao lắm việc thế, tháng nào cũng có việc”. Hoa cứ vâng dạ thôi chứ kiểu gì cũng phải lôi Thanh đi cùng, thăm hỏi bố mẹ vợ là trách nhiệm của anh, hơn nữa đây là việc quan trọng của gia đình chứ cô đâu có tự quyết định được.
Thời gian đầu về làm dâu, Hoa nhớ lại mà nước mắt còn giàn giụa. Bà Hồng vốn không ưa gì Hoa nên khi về bà đã đe ngay: “Tôi với chị ở cách nhau cả 200 cây số, ăn uống cũng khác, sinh hoạt cũng khác, khi đã lựa chọn sống ở đây tốt nhất cô nên bỏ cái kiểu quê mùa nhà chị đi”. Ngồi chết trân trên ghế, Hoa không nói được lời nào trước những câu nói như xúc phạm của bà Hồng. Thanh cũng ái ngại thay cho vợ nhưng cũng không dám góp ý với mẹ. Hoa nấu cơm thì bà chê dân tỉnh lẻ nấu ăn gì cũng mặn chát đến muối ruột.
Một hôm Thanh gọi điện về bảo không ăn cơm, Hoa thổi ít gạo một chút, sợ cơm thừa bỏ đi thì phí. Thế nào mà đến đúng bữa cơm chàng lại lò dò về ăn. Cơm thiếu, bà Hồng lại được dịp đay nghiến: “Chị tiết kiệm 1 bát gạo thì có giàu lên được không, cái tính ở đâu bủn xỉn vụn vặt”. Miếng cơm chết nghẹn ở cổ dù chồng cô đã đỡ lời: “Kìa mẹ, là do con nói không ăn cơm rồi lại về đấy chứ”.
Làm dâu đã không phải điều dễ dàng nhất là lại làm dâu xứ người. Rất nhiều người phụ nữ đã chịu thiệt thòi ấm ức bởi quan niệm “ngoại tỉnh” của không ít mẹ chồng hiện nay.
0 nhận xét :
Đăng nhận xét