Thứ Tư, 18 tháng 9, 2013

Tranh thủ thời gian, tất bật mua cá chép, cúng lễ, thả cá… là những hình ảnh rất dễ bắt gặp của người dân thành phố trong ngày 23 tháng Chạp.
Ngay từ sáng sớm, tại nhiều khu chợ Hà Thành, nhiều đường phố đã tấp nập kẻ mua, người bán cá chép.

Gần 7 giờ sáng, chị Ngà đã dậy từ rất sớm để đi chợ, sắm lễ đưa ông Táo về trời. Tay cầm bộ quần áo ông Táo, thêm bịch nilon có con cá chép nhỏ, chị vui vẻ nói: “Hôm nay ngày 23 âm lịch, tôi phải tranh thủ thời gian đi mua sắm, làm cỗ, nên xin phép đến cơ quan muộn một chút. Cũng phải sắm các thứ tươm tất thì đi làm mới yên tâm được. Đến trưa về là chỉ việc làm cơm cúng, rồi đốt vàng, thả cá…”.
 
Mua sắm bộ quần áo Táo công

Đã mua bộ quần áo cúng ông Công, ông táo từ hai ngày trước đó, nên sang ngày 23 chị Linh nhàn tênh vì chỉ phải: “Đi chợ mua cá chép, làm cơm là xong, không phải chen nhau trên phố hàng Mã mua quần áo cúng nữa. Mấy hôm trước, tranh thủ giờ nghỉ trưa tại cơ quan, các chị em rủ nhau đi sắm sửa cho ngày rước ông Táo về trời”.

Bất chấp tiết trời giá rét, chị vẫn xắn ống tay áo, bắt mua ba con cá vàng đẹp, khỏe trong chiếc chậu cá lớn. Mỗi năm, đến ngày này, dù có bận rộn đến mấy chị cũng phải bỏ mặc để làm lễ cúng ông táo đàng hoàng, tươm tất. Xin nghỉ việc buổi sáng tại cơ quan, chị bảo: “Các cụ mình quan niệm phải hóa vàng trước giờ Ngọ, mới  thiêng, nên tôi xin nghỉ luôn buổi sáng để sắm sửa, làm cơm cúng rồi thả cá chép tiễn các Táo về chầu trời. Một năm mới có một lần, mình phải làm cho thật cẩn thận”.
 
Mua cá chép - hình ảnh dễ bắt gặp trong ngày 23 tháng Chạp

Chen nhau trong đám đông vây kín chiếc chậu cá lớn, chị Hạnh tay xách chiếc làn nặng  trịch tươi cười: “Đông người mua quá, ai cũng tranh thủ mua buổi sáng sớm để còn kịp giờ đi làm, thành thử mình đã đứng đợi khá lâu để “len” vào được đám đông mà vẫn chưa được. Thấy mọi người nói, cá chép ở hàng này rất đẹp, có nhiều loại lạ nên ai cũng muốn vào xem thử”.

Đây là năm đầu tiên về làm dâu, cũng là cái tết ông Công, ông Táo đầu tiên cô con dâu trưởng phải chuẩn bị thật chu đáo. Chưa bao giờ đi sắm lễ cúng nên chị Hạnh khá bỡ ngỡ trong việc mua lễ, mua thực phẩm làm cơm cúng. Theo đúng lời mẹ chồng dặn, chị mua một con cá chép to làm  thịt, và ba con cá  vàng nhỏ để thả ngoài hồ.
 
 
Cá phóng sinh được bày bán rất nhiều trong những khu chợ, và bán rong trên đường

Là người đàn ông hiếm hoi đi mua thực phẩm làm lễ cúng, anh Bình cho hay: “Vợ mình đi làm xa, nên dậy là đi làm luôn khỏi muộn giờ. Trước khi đi bà xã cũng đã liệt kê phải mua những thứ gì, mua bao nhiêu… Mình làm gần hơn nên đi chợ thay vợ, đến trưa bà xã lại về sớm để làm cơm cúng”. Khoe đôi cá kỳ lân, anh Bình hỉ hả: “Nhìn chị em tất bật mua bán, mới thấy không khí Tết tràn về thật sự rồi. Khu chợ này cứ đông nghìn nghịt, hàng nào cũng đông đúc, khó mà len vào được để mua. Cũng may, tôi mua đôi cá này lúc sớm, còn có giá rẻ chút, chứ tới giờ này là giá đã tăng cao hơn rồi”.

Ngày 23 tháng Chạp, dễ dàng bắt gặp trên đường phố, trong khu chợ hình ảnh những bà nội trợ  tất bật mua sắm, vội vã trở về nhà cúng lễ… chuẩn bị cho ngày tiễn Táo quân lên chầu trời.

Tay cầm bịch nilon đựng ba con cá chép nhỏ, chị Hòa hồ hởi nói: “Theo tập tục, cứ vào ngày này tôi lại cùng các con đem cá ra ngoài hồ thả và cầu nguyện những mong ước của mình. Lễ phóng sinh  năm nay tôi muốn “nhờ” Táo quân lên “tâu” với Ngọc Hoàng làm sao cho gia đình tôi luôn sống khoẻ mạnh, các con ngoan ngoãn và hạnh phúc”.

Ước nguyện của chị Hòa cũng là mong muốn chung của những người dân mỗi dịp Tết đến, xuân về.

0 nhận xét :

Đăng nhận xét

Design by Hao Tran -